Các nhận định về tác phẩm Một_cơn_gió_bụi

Trần Trọng Kim (18831953) được đánh giá là một học giả có kiến thức rộng cả tân và cựu học, là người có đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, tư tưởng chủ đạo của Trần Trọng Kim lại rất bảo thủ, ông có tư tưởng bảo hoàng như các nhà Nho thời phong kiến, cho đến cuối đời ông vẫn muốn đưa Bảo Đại trở lại nắm quyền và duy trì hoàng gia nhà Nguyễn. Do cộng tác với phát xít Nhật nên người ta kết tội Trần Trọng Kim là tay sai Nhật.

Trong cuốn hồi ký "Một cơn gió bụi", ông đã tỏ ra không khách quan khi tránh không nhắc đến sự cộng tác với Nhật mà ông đã thực hiện, những hành động tàn bạo của quân Nhật, cũng như sự bất lực của chính phủ Đế quốc Việt Nam do ông đứng đầu. Ví dụ[8]:

  • Trần Trọng Kim chỉ nói đại khái (khoảng 2 dòng) về nạn đói năm Ất Dậu khiến cả triệu người dân Việt Nam chết đói dù đây là sự kiện ghê gớm nhất tại Việt Nam trong năm đó, cũng không nhắc gì tới việc quân Nhật tận thu lương thực và cấm mở kho gạo cứu đói (bởi chính phủ của ông không dám có ý kiến phản đối Nhật, và cũng bất lực không thể cứu đói cho người dân).
  • Trần Trọng Kim tự nhận mình đã khuyên Bảo Đại thoái vị, nhưng đó là khi tình thế đã không thể cứu vãn được. Trước đó, vào đầu tháng 8/1945, ông vẫn một mực muốn duy trì ngai vàng nhà Nguyễn và phản đối việc Bảo Đại thoái vị, dù nhiều thành viên nội các đề nghị như vậy. Điều này không được ông nhắc đến trong hồi ký.
  • Trần Trọng Kim tự nhận rằng Bảo Đại đã nói với ông "Trẫm muốn được làm dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ". Chi tiết này là không có thật, có thể Trần Trọng Kim đã nhớ nhầm hoặc ông cố tình hư cấu nên. Câu nói này thực ra là ở trong Chiếu thoái vị của Bảo Đại, và chiếu thư này là do ông Phạm Khắc Hòe soạn chứ không liên quan gì đến Trần Trọng Kim.
  • Do Trần Trọng Kim mang nặng tư tưởng bảo hoàng thời phong kiến nên ông có ác cảm với Việt Minh vì đã ép vua Bảo Đại thoái vị. Sự ác cảm này khiến ông đánh giá thiếu khách quan về Việt Minh, họ làm gì cũng bị ông phê phán là mang dụng ý xấu, trong khi ông lại ca ngợi Bảo Đại quá mức dù vị vua này hoàn toàn bất lực, không màng gì đến chính sự. Trần Trọng Kim cũng không nhắc đến việc chính ông và Bảo Đại đã được Việt Minh khoản đãi rất tốt, nhưng về sau cả hai đã tự ý bỏ ra nước ngoài và còn nhận sự tài trợ tiền bạc của Pháp, thế lực đang quay lại xâm chiếm Việt Nam.
  • Ở một đoạn khác, ông viết "tôi đã chỉ nói những công việc quốc dân phải lo để gây dựng lại nền tự chủ của nước nhà mà thôi, chớ không nói gì về việc chiến tranh của nước Nhật Bản với các nước Đồng minh, chú ý muốn tránh sự người Nhật có thể lôi kéo người mình vào cuộc chiến tranh của họ". Nhưng đây là lời nói dối, vì trong Bản Tuyên cáo của nội các, Trần Trọng Kim đã tuyên bố: "quốc dân phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua". Để cho khớp với lời kể, Trần Trọng Kim đã cắt bỏ hẳn trong bản phụ lục số 1 ở cuối quyển hồi ký những đoạn tuyên bố ủng hộ Nhật Bản này.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, tập hồi ký này của Trần Trọng Kim cả về nội dung và nghệ thuật đều chưa đạt, nhiều sự kiện ông né tránh không dám trình bày, một số chi tiết cũng không hoàn toàn trung thực, có lẽ vì ông viết cuốn hồi ký này trong một tâm trạng ngao ngán mà không thức thời do hoạt động chính trị liên tục thất bại[9]

Liên quan